(Dân trí) – Mỗi sáng thức dậy đều phải đối mặt với việc lỗ hàng tỷ đồng, nhưng Trần Trọng Kiên – ông chủ của Thiên Minh Group (TMG) vẫn khẳng định: “TMG có thể không có hàng trăm tỷ đồng để ủng hộ cho quỹ vắc xin, nhưng chúng tôi dành các khách sạn của mình làm nơi ở và cung cấp suất ăn cho các bác sĩ tham gia chống dịch. Nếu có thời điểm nào thực sự cần thiết, tôi – một cựu sinh viên y khoa, cũng sẽ sẵn sàng tham gia làm tình nguyện ở các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19”.
“Trong đợt giãn cách xã hội năm ngoái, vào một buổi tối trở về nhà, cô con gái nhỏ mang 80 triệu tiền mừng tuổi trong dịp Tết đến và thì thầm với tôi: “Daddy, nếu bố cần tiền, bố có thể dùng tiền của con”.
Tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải mỉm cười, phải mạnh mẽ, phải vững vàng để con gái tôi không phải lo lắng cho tôi vào cái tuổi mà con bé chỉ nên học, chơi, ăn, ngủ” – ông Kiên chia sẻ với Dân trí.
Tô Lan Hương: Lần đầu tôi gặp anh 2 năm trước là lúc TMG đang chuẩn bị cho ra đời hãng hàng không. Lần thứ 2 gặp anh là giữa đợt giãn cách xã hội đầu tiên năm ngoái, TMG đã phải hủy bỏ giấc mơ bay vì đại dịch. Lần này, sau 18 tháng thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19, tôi rất tò mò muốn hỏi, một doanh nghiệp chuyên về du lịch như TMG đã phải vật lộn như thế nào thời gian qua?
Trần Trọng Kiên: Tôi nhớ, chỉ trong 100 ngày đầu của đại dịch, toàn bộ thị trường du lịch thế giới thay đổi hoàn toàn, không giống chút nào so với trước đây. Đây là những ngày tháng khó khăn chưa từng có với TMG và các doanh nghiệp du lịch nói chung.
Lượng khách về con số 0 như hiện nay là điều gần như chưa bao giờ xảy ra. Kể cả hồi đại dịch SARS bùng lên ở Châu Á, khi ấy chúng tôi có khó khăn, nhưng khó khăn chỉ trong thời gian ngắn và dù sao vẫn còn dự báo được thời gian quay lại, vẫn còn hướng đi, vẫn còn giải pháp. Còn đây là lần đầu tiên mà mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi quay về con số 0 tròn trĩnh.
Thời điểm tháng 4/2020, thay vì mỗi ngày TMG sẽ lãi 3-5 tỷ như dự kiến, mỗi sáng thức dậy, chúng tôi lỗ 1,5 tỷ. Tình hình còn tồi tệ hơn với những công ty du lịch khác.
Ba tháng sau khi đại dịch bắt đầu, tôi nói chuyện với người bạn là chủ tịch một công ty du lịch lớn có 35 năm thâm niên trong ngành, doanh thu 500 triệu USD, lợi nhuận 30-40 triệu USD mỗi năm. Ngày 31/12/2019, công ty họ vẫn còn 68 triệu USD tiền mặt. Nhưng chỉ vài tháng sau, bạn tôi nói rằng, chỉ 2-3 tháng nữa thôi, công ty sẽ phá sản.
Thật ra trong 18 tháng qua, dù khó khăn rất nhiều, tôi vẫn nghĩ TMG may mắn hơn nhiều các công ty du lịch khác vì chúng tôi có hàng chục bất động sản có giá trị, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của các cổ đông lớn, uy tín và có nguồn tài chính dồi dào như World Bank và các quỹ đầu tư quốc tế.
Ngay từ tháng 2/2020, khi nhận định tình hình sẽ rất khó khăn, chúng tôi đã quyết định hủy ngay 3 dự án lớn là mở hãng hàng không, xây dựng chuỗi khách sạn mới và tu sửa, nâng cấp các khách sạn sẵn có.
Chúng tôi tăng vốn pháp định, đàm phán với các ngân hàng để tạo ra một khoản vốn lưu động lớn bằng cách thế chấp tài sản của tập đoàn. Tình hình tài chính của tập đoàn trước đại dịch vốn rất lành mạnh, tỷ lệ vay trên tổng tài sản hiện có rất thấp, đồng thời chúng tôi cũng có quan hệ hợp tác tốt suốt 26 năm với các ngân hàng, nên rất dễ dàng khi đàm phán các khoản vay. Chúng tôi cũng cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, ban lãnh đạo tập đoàn và các vị trí nhân sự chủ chốt, hoặc là không nhận lương, hoặc là tình nguyện giảm lương.
Tô Lan Hương: Là chủ tịch của doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất nhì nền kinh tế trong đại dịch, mỗi sáng thức dậy trong suốt hơn một năm qua, anh có cười nổi không?
Trần Trọng Kiên: Trong đợt giãn cách xã hội năm ngoái, vào một buổi tối tôi trở về nhà, cô con gái nhỏ của tôi mang 80 triệu tiền mừng tuổi của con bé trong dịp Tết đến và thì thầm: “Daddy, nếu bố cần tiền, bố có thể dùng tiền của con”.
Tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải mỉm cười, phải mạnh mẽ, phải vững vàng để con gái tôi không phải lo lắng cho tôi vào cái tuổi mà con bé chỉ nên học, chơi, ăn, ngủ.
Tôi cũng có trách nhiệm với 2.600 nhân viên của TMG thời điểm đó và gia đình của họ. Ở góc độ nào đó, có lẽ họ còn lo hơn tôi khi sinh kế bị ảnh hưởng dẫn đến chất lượng cuộc sống hàng ngày cũng bị ảnh hưởng. Vì thế rất nhanh, tôi học cách thích nghi với các cuộc họp online, học cách ngồi một mình tự kỷ trong phòng làm việc cả ngày mà không thấy khó chịu.
Tôi có lo lắng không ấy à? Dĩ nhiên rồi. Nhưng miễn là biết rằng công ty mình vẫn tồn tại được trong thời gian tới và miễn là mình vẫn có thể kiểm soát được các vấn đề của công ty, thì tôi vẫn còn giữ được tinh thần và năng lượng để làm việc.
Trong đại dịch này, những người sẽ sống sót qua đại dịch đầu tiên là những người lạc quan, nhiều năng lượng. Tôi còn trẻ và tự tin. Khi 22 tuổi tôi đã lập nghiệp từ tay trắng. Kể cả tình huống tồi tệ nhất, tôi sẵn sàng xây dựng lại một dự án mới.
Tô Lan Hương: Và anh trấn an họ như thế nào để những người xung quanh có niềm tin dựa vào anh?
Trần Trọng Kiên: Hơn một năm qua, tôi luôn lựa chọn cách minh bạch và sòng phẳng khi nói về vấn đề của công ty cho các nhân viên của mình. Mỗi tuần chúng tôi đều có các cuộc họp online toàn công ty cả ở trong nước lẫn quốc tế. Ban lãnh đạo TMG sẽ giải thích cho nhân viên lý do của từng hoạt động: Từ việc hủy các dự án, cắt giảm chi phí, thậm chí cắt giảm nhân sự, tăng vốn, vay ngân hàng, đến việc nói về các phương pháp có thể tồn tại được, chúng tôi đều chọn cách chia sẻ minh bạch.
Chúng tôi chia sẻ toàn bộ kế hoạch hành động, doanh thu, các con số cụ thể, vì thực ra có những thời điểm, đại dịch khiến chúng ta không thể dự báo được tương lai dài hạn, dù chỉ trong 2-3 tháng, nhưng chúng tôi đưa thông tin một cách sòng phẳng, để nhân viên tự đánh giá và quyết định về việc gắn bó hay không gắn bó với tập đoàn nữa.
Tô Lan Hương: Những việc anh và doanh nghiệp của mình đã làm trong hơn một năm qua để bảo vệ việc kinh doanh là…
Trần Trọng Kiên: Hơn một năm qua, chúng tôi phải cắt giảm một nửa nhân viên. Nhưng với một nửa nhân viên còn lại, chúng tôi đảm bảo duy trì mức lương từ 75-100%. Chúng tôi bảo vệ công việc kinh doanh của mình bằng cách, ngoài cân đối tài chính, dòng tiền thì còn tìm các cơ hội khác để kiếm tiền.
TMG là công ty du lịch sớm nhất chuyển Ivivu từ một app du lịch sang bán ăn trưa trong 2 tuần sau khi Việt Nam giãn cách xã hội lần thứ nhất. 35 bạn coders (lập trình công nghệ thông tin) đã làm việc xuyên đêm ngày trong 3 tuần để tạo ra một app mới, trong khi những nhóm khác set-up nhân viên nấu nướng, lên kế hoạch thực đơn và bán hàng online.
Trước đại dịch, 94% doanh thu của TMG là đến từ nước ngoài. Nhưng trong hơn một năm qua, doanh thu 1.000 tỷ của TMG hoàn toàn đến từ trong nước, chủ yếu là qua các hoạt động du lịch hướng tới thị trường trong nước và tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường mới trong hoàn cảnh khó khăn.
Con số này chỉ bằng 6% doanh thu chúng tôi có trước đại dịch, nhưng ít nhất vẫn còn có gì đó để chúng tôi duy trì hoạt động của mình. Khi Nhà nước có chính sách cách ly thu phí, TMG là một trong các doanh nghiệp du lịch tham gia ngay từ ngày đầu và kiếm được 70-80 tỷ doanh thu từ hoạt động này. Nói một cách chính xác, chúng tôi làm mọi cách để nhặt nhạnh từng đồng để sống sót.
Tô Lan Hương: Vậy thì sau tất cả những nỗ lực ấy, “sức khỏe” của TMG như thế nào thời điểm hiện tại, vì đúng một năm trước tôi gặp anh, anh nói doanh nghiệp của mình sẽ trụ vững được trong 12 tháng?
Trần Trọng Kiên: Năm 2020 chúng tôi lỗ 300 tỷ. Năm nay sẽ tiếp tục lỗ. Nhưng con số lỗ đó chưa là gì so với hàng không. Vì vậy tôi vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều bạn bè mình (cười).
Năm ngoái, tôi và nhiều người khác đều dự đoán đại dịch chỉ đến cuối năm 2020 là kết thúc, nhưng hóa ra tình hình mỗi ngày một mờ mịt và về sau, chúng tôi cơ bản là không dự báo được gì cả.
Nhưng năm nay, bằng những nỗ lực của mình, chúng tôi tiếp tục xoay sở được dòng tiền để tồn tại trong 12 tháng tới. Tin tốt là dù dịch bệnh đang phức tạp hơn bao giờ hết ở Việt Nam, nhưng những doanh nghiệp như chúng tôi đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Ít nhất chúng tôi biết 3-4 quý nữa, mọi chuyện sẽ có thể phục hồi và quay trở lại trạng thái tương đối bình thường, sau khi vắc xin được tiêm chủng rộng rãi trên toàn cầu.
Thế nên bây giờ dù khó khăn hơn so với thời điểm tôi nói chuyện với chị một năm trước, nhưng tôi vẫn tự tin vào tương lai của TMG trong thời gian tới. Dù ngành du lịch toàn cầu đã thay đổi trong nhiều tháng qua, du lịch Việt Nam cũng vậy – có rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã giải thể, đã phá sản hoặc chuyển hướng làm công việc khác trong một năm qua, nhưng TMG quá lớn để dừng lại.
Chúng tôi sinh ra để làm du lịch và sẽ phải theo đuổi nó đến cùng. Mất nhiều trong 18 tháng qua, nhưng chúng tôi tự tin, khi thế giới có thể quay trở lại với các hoạt động bình thường như thời điểm năm 2019, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội mới để nâng tầm vị thế của mình.
Tô Lan Hương: Là người lãnh đạo cao nhất, ưu tiên quan trọng nhất của anh trong đại dịch sẽ là gì?
Trần Trọng Kiên: Tôi luôn viết ra 6 ưu tiên của mình, để dặn mình tập trung vào đó. Trong một năm qua, ưu tiên quan trọng nhất, xuyên suốt nhất của tôi là con người. Bất kể nỗi lo tài chính cho doanh nghiệp lớn như thế nào thì nó cũng không thể lớn hơn việc bảo vệ nhân viên của mình bình an đi qua đại dịch này.
Ngoài việc tiến hành cắt bỏ những dự án dự báo không thể phục hồi trong vòng 24-36 tháng tới, chúng tôi tập trung đầu tư vào những dự án trọng điểm như tu sửa, xây mới một số khách sạn ở Hội An, Hải Phòng, Hòa Bình. Chúng tôi liên tục nâng cấp các nền tảng công nghệ và kết nối hệ sinh thái của TMG với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch toàn cầu.
Chúng tôi cũng tranh thủ thời gian để đào tạo nhân viên. 1.500 nhân viên được giữ lại sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng quay trở lại mạnh mẽ sau đại dịch. Ban lãnh đạo tập đoàn lập một quỹ – đến từ tiền đóng góp cá nhân – để sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ cho những nhân viên công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Một ưu tiên quan trọng nữa của tôi là bảo vệ cộng đồng và đóng góp những giá trị cho cộng đồng trong phạm vi năng lực mà tôi và doanh nghiệp của mình có thể làm. Dù tôi sống ở đây hay ở đâu, thì cũng luôn đặt mục tiêu ủng hộ cho việc xây dựng cộng đồng.
Năm ngoái, thời điểm dịch bệnh mới bùng lên, chúng tôi mở cửa các khách sạn của mình để cho các du khách mắc kẹt ở Việt Nam được ở miễn phí trong suốt thời gian giãn cách cả nước. Chúng tôi cung cấp cho họ suất ăn với giá rẻ, dù thời điểm đó kể cả có bán đắt thì họ cũng không có lựa chọn nào khác.
Tập đoàn chịu tổn thương nặng nề vì Covid-19 nên chúng tôi thực sự rất khó khăn. Chúng tôi không có tiền để đóng góp hàng trăm tỷ ủng hộ quỹ vắc xin, nhưng thay vào đó, chúng tôi lựa chọn đóng góp theo sức của mình, trong điều kiện chúng tôi có thể và đóng góp cho những việc chúng tôi nghĩ là thiết thực nhất.
Nhiều khách sạn của chúng tôi thời gian qua là nơi hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở cho các bác sĩ tham gia chống dịch. Chúng tôi cũng hỗ trợ các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện địa phương nơi mà TMG có hoạt động kinh doanh ở đó. Bằng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, tôi cũng làm những việc trong khả năng có thể để kêu gọi sự ủng hộ nhiều hơn của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam thời điểm này.
Tô Lan Hương: Anh đánh giá như thế nào về những chính sách của Chính phủ trong chống dịch thời gian vừa qua?
Trần Trọng Kiên: Không chỉ cá nhân tôi, mà TMG luôn giữ một quan điểm: Ủng hộ các chính sách chống dịch của Chính phủ.
Tôi ghi nhận những nỗ lực, những quyết định đúng đắn, kịp thời của Chính phủ để bảo vệ người dân trong 18 tháng qua. Tôi ủng hộ quyết tâm chống dịch, vì nếu không kiên quyết, có thể chúng ta sẽ phải lặp lại hình ảnh như ở Ấn Độ.
Cam kết của TMG là tuyệt đối tuân thủ các quyết định của Chính phủ. Dù những quyết định đó đôi khi ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Ví dụ như có những kế hoạch kinh doanh du lịch mùa hè đã được xây dựng từ tháng 2, tháng 3 và dự định triển khai từ tháng 4, tháng 5, nhưng hoàn toàn đổ vỡ khi các thành phố phải giãn cách xã hội. Lúc này, quan trọng nhất là chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Chúng tôi đã quen với việc đó nhiều lần trong 18 tháng qua và tập cho mình thói quen vui vẻ chấp nhận. Với những chính sách chưa phù hợp, nếu có gì cảm thấy bất cập và cần đóng góp, TMG sẽ đóng góp một cách rất xây dựng qua kênh mà chúng tôi nghĩ là hợp lý nhất và đúng thời điểm nhất.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, vì công việc quá bận rộn, kế hoạch của tôi là sẽ từ chức Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia, nhưng trong bối cảnh này tôi nghĩ cần ở lại để có thể kênh kết nối, chia sẻ thông tin và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc kết nối với Chính phủ, để tìm kiếm và thúc đẩy những chính sách, giải pháp phù hợp cho du lịch.
Tôi cũng rất mong nhân viên của TMG sẽ được tiêm vắc xin, nhưng tôi chủ trương sẽ không tìm kiếm nguồn vắc xin bằng mọi giá, kể cả những suất vắc xin ngoại giao. Nhân viên của chúng tôi sẽ xếp hàng để chờ đến lượt tiêm vắc xin của mình.
Chúng tôi thể hiện sự cam kết của mình bằng cách đảm bảo sự ổn định cho công ăn việc làm của người lao động cho doanh nghiệp mình, đảm bảo sự ổn định cuộc sống cho họ để giảm áp lực cho cộng đồng. Vì với 1.500 nhân viên mà TMG đang có, nếu không đảm bảo được cuộc sống cho họ, thì có thể 6.000-10.000 con người sẽ bị ảnh hưởng theo.
Tô Lan Hương: Giả dụ, chỉ giả dụ thôi, trong tình huống xấu nhất – khi mà du lịch không thể phục hồi trở lại trong vài năm tới và anh sẽ mất đi thành quả mà anh đã gây dựng suốt 27 năm qua, anh sẽ làm gì?
Trần Trọng Kiên: Cái xấu nhất có thể xảy ra cho một doanh nghiệp là phá sản, mà đã làm kinh doanh thì sẽ luôn có rủi ro đó, nên ai đã chơi cuộc chơi này thì phải chấp nhận rủi ro. Bởi vì khi thị trường xấu như lúc này, nguy cơ ấy có thể cao hơn, nhưng không có nghĩa khi thị trường tốt thì nguy cơ không tồn tại.
Tôi là người bắt đầu từ tay trắng và làm mọi thứ từ bàn tay của mình, nên tình huống xấu nhất thì cũng chỉ là quay về tay trắng thôi. Nếu giả dụ có chuyện đó thật, tôi sẽ làm lại tiếp.
Thật ra từ vài năm trước, tôi nghĩ rằng mình đã kiếm tiền đủ để cho bản thân và gia đình. Nhưng tôi vẫn mang trong lòng mình trách nhiệm với doanh nghiệp và nhân viên của công ty. Tôi cũng có những cam kết cá nhân mà tôi muốn thực hiện với cộng đồng. Đó là lý do mà thời điểm khó khăn như thế này, tôi vẫn không dừng lại.
Tôi nghĩ tôi sẽ đóng góp được nhiều nhất khi lãnh đạo TMG và đảm bảo sinh kế cho 1.500 người đang làm việc cho tập đoàn. Nhưng nếu một ngày nào đó, chị thấy tôi xuất hiện ở các bệnh viện dã chiến với tư cách một tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch thì cũng đừng ngạc nhiên – vì tôi tốt nghiệp đại học Y ra và luôn sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng khi cần thiết.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Nguồn: dantri.com.vn