TMG – Du lịch Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn và các bộ, ngành, khu vực liên quan cần phối hợp chặt chẽ, đối diện với vấn đề để du lịch Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng to lớn.
Chiều 16/12, đại diện Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Thiên Minh (TMG) ông Trần Trọng Kiên, đương kim chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), ông Chris Farwell, phó tổng giám đốc TMG, có bài phát biểu tại Hội nghị Bàn tròn do Báo Nhân Dân phối hợp Ban IV tổ chức để tìm kiếm giải pháp thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:
Kính thưa Ông Lê Quốc Minh và Ông Trương Gia Bình
Kính thưa các Quý vị đại biểu, khách quý!
Tôi rất vui được đại diện cho Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phát biểu tại đây ngày hôm nay.
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các vấn đề kinh tế toàn cầu (như lạm phát, suy thoái), cuộc chiến tranh ở Ukraine, căng thẳng giữa Mỹ-Trung Quốc về thương mại, và sự thay đổi chính sách toàn cầu vì bối cảnh dịch Covid-19. Nhiều ngành trong số các ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như dệt may, giày dép, đồ nội thất… đã chứng kiến sự chững lại đáng kể các đơn đặt hàng mới. Kết quả là, có thể có tới 2 triệu việc làm bị mất trong nửa cuối năm 2022. Chúng tôi cho rằng du lịch sẽ là một giải pháp để Việt Nam lấy lại sự tăng trưởng, tạo nguồn thu ngoại tệ, việc làm và quan trọng nhất là thúc đẩy thương mại và đầu tư trở lại vào năm 2023 và những năm tiếp theo.
Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã ảnh hưởng tới ngành du lịch toàn thế giới. Đối với Việt Nam, đại dịch đã tác động đặc biệt lớn tới nền kinh tế và xã hội bởi trước khủng hoảng dịch bệnh, ngành du lịch đang phát triển mạnh mẽ và trở thành động lực quan trọng đối với nền kinh tế. Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho GDP tới khoảng 10%. Trong đại dịch, con số này sụt giảm xuống chỉ còn 2,1% GDP vào năm 2021.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại nhờ triển khai thành công chương trình tiêm chủng và đạt tỷ lệ cao người dân được tiêm chủng. Tuy nhiên, Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của vị trí dẫn đầu này. Chúng ta chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách quốc tế và tạo ra tổng thu khoảng 4,5 tỷ đô la.
Chúng ta có thể mừng khi số khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt người, nhưng đóng góp vào doanh thu của du lịch nội địa không thể bù đắp được với số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch. Trước dịch Covid-19, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 18,3 tỷ đô la Mỹ trong số 32,8 tỷ đô la Mỹ mà toàn ngành du lịch tạo ra. Cũng cần lưu ý rằng mặc dù Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên một số trang web về du lịch, nhưng điều này không có nghĩa là Việt Nam thực sự đón được nhiều lượt khách đến hơn. Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao Việt Nam chưa đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022, trong khi nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu của họ?
Vì sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Du lịch châu Á sau Covid-19?
Du lịch là một ngành kinh doanh cạnh tranh và chúng ta có nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực, những nước cũng đang nỗ lực thu hút khách du lịch từ các thị trường trong khu vực và cả thị trường xa. Thái Lan là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam và nhiều bên liên quan ở Việt Nam đang than phiền là họ đang bị mất cơ hội kinh doanh vào tay Thái Lan, cho nên trong bài trình bày này, chúng ta sẽ tập trung lấy Thái Lan làm chuẩn so sánh.
Thái Lan và kể cả nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực của chúng ta đã tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh quốc gia họ, để họ thu hút và cạnh tranh trong việc đón khách quốc tế.
Thái Lan miễn thị thực đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn thị thực được kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày và trong một số trường hợp là 90 ngày. So với Thái Lan, Việt Nam không đưa ra bất kỳ chính sách nới lỏng nào về yêu cầu đi lại. Trên thực tế, Việt Nam còn làm cho các thủ tục khó khăn hơn và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng khách quốc tế đến của chúng ta, mặc dù chúng ta đi trước Thái Lan trong việc mở cửa. Du khách thường phàn nàn rằng họ không thể dễ dàng xin thị thực du lịch tại các Đại sứ quán của chúng ta như trước Covid-19.
Họ nói rằng họ bị yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh (đây là một gánh nặng mới về thủ tục hành chính); hoặc họ còn bị giới thiệu xin thị thực qua các đại lý dịch vụ cấp thị thực với mức phí thường rất cao cho mỗi thị thực (từ 200 đô la Mỹ cho tới 500 đô la Mỹ đối với các thị thực xin gấp vào thời hạn cuối, trong khi lệ phí chính thức cấp thị thực chỉ là 25 đô la Mỹ). Chúng tôi đã thấy phản ánh của công dân các quốc gia không thuộc trong danh sách các quốc gia đủ điều kiện cấp thị thực điện tử hoặc khó xin thị thực điện tử, chẳng hạn như Mauritius, cho biết, họ có thể phải đợi 30 ngày trở lên và phải trả tới 800 đô la Mỹ để được cấp thị thực.
Thực trạng này dẫn tới kết quả là Thái Lan đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 16 tỷ đô la Mỹ. Con số này được so sánh với con số 40 triệu lượt du khách và tổng thu 56 tỷ đô la Mỹ họ thu được vào năm 2019 trước khi Covid xảy ra. Trong hai tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước Covid. Trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước Covid. Rõ ràng, qua việc so sánh các con số, chúng ta thấy Thái Lan đã làm tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Cuối cùng, điều cốt yếu là chúng ta cần phải ngay lập tức quay lại ít nhất như là các điều kiện về thị thực như trước Covid-19 nếu chúng ta muốn có khách quốc tế.
Việt Nam chưa có Kế hoạch cấp quốc gia về Phục hồi ngành Du lịch và Khách sạn. Thay vào đó, ngành du lịch còn đang phụ thuộc vào các sáng kiến, dự án mang tính sự việc không thường xuyên hoặc cấp vùng hay khách du lịch nội địa để “nuôi sống” ngành. Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta đang thiếu một tổ công tác bao gồm tất cả các bên liên quan chính gồm Chính phủ và khu vực tư nhân cùng phối hợp làm việc để xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia phục hồi ngành du lịch. Mô hình này đã được TAB và Ban IV đề xuất đã lâu.
Việc xây dựng một Kế hoạch tổng thể cấp quốc gia về phục hồi và mở lại đón khách quốc tế sẽ mất thời gian, mặc dù TAB đã có sáng kiến xây dựng một Kế hoạch tổng thể do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tài trợ để hỗ trợ tiến trình này. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn thúc đẩy phục hồi kinh tế và bù đắp cho việc chúng ta đang phải đối mặt với một số thách thức và trở ngại – những điều sẽ có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, thì chúng ta cần phải hành động nhanh chóng và quyết tâm cao, và phải có những ưu đãi để mời gọi khách tới. Con đường để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn và trở lại với mức đóng góp hơn 10% vào GDP đã được xác định rõ nhưng sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng và Chính phủ cần khẩn cấp hỗ trợ ngành du lịch ngay thời điểm này.
Kính thưa quý vị, sau đây chúng tôi xin nêu lên một số khuyến nghị quan trọng nhất:
- 1. Thị thực:
Đã có nhiều nguồn thông tin trong đó có cả phản ánh của du khách nước ngoài cho rằng một trong những yếu tố khiến khách không đến Việt Nam là chế độ thị thực của Việt Nam và quy trình cấp thị thực mất nhiều thời gian.
Mặc dù chúng tôi vẫn nhìn nhận rằng việc mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực (như các nước khác ở châu Âu, Úc, New Zealand, Canada) và kéo dài thời hạn thị thực lên 30-45 ngày sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam, tuy nhiên, chúng tôi biết rằng một số thành viên cấp cao của Chính phủ dường như phản đối việc này. Chúng tôi rất mong Chính phủ xem xét lại chính sách này, nhưng hiện tại, chúng tôi sẽ tập trung các ý kiến và đề xuất về việc loại bỏ gánh nặng về thủ tục giấy tờ đối với Thị thực và Thị thực điện tử.
Hiện nay người dân từ một số quốc gia, như Úc, Canada, v.v., đang gặp khó khăn trong việc xin thị thực ngay cả khi họ liên hệ với Đại sứ quán của chúng ta (ở nước sở tại). Họ được yêu cầu phải khai báo công ty bảo lãnh hoặc giới thiệu đến đại lý dịch vụ cấp thị thực. Cách làm này cần phải dừng lại ngay lập tức và (thay vào đó) tất cả những ai liên hệ với Đại sứ quán của chúng ta đều mong muốn được ứng xử nhất quán, thân thiện và nhanh chóng.
Thứ hai, hệ thống thị thực điện tử thực sự cần được quan tâm ngay trước mắt về những vấn đề sau:
- Danh sách các quốc gia được cấp thị thực điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia;
- Tên miền nên được thay đổi để khách nước ngoài dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm trực tuyến và cần cắt giảm các đại lý dịch vụ có trang web giống như các kênh chính thức cấp thị thực;
- Việc truy cập trang web và giao diện thân thiện với người dùng cần được cải thiện. Nhiều người thường than phiền là họ không thể truy cập trang web, tốc độ trang web quá chậm hoặc không dễ dàng cho người dùng như các trang web thị thực chính thức của các quốc gia khác.
- Hệ thống cần được xem xét lại để có thể làm đơn giản, dễ dàng hơn để có thể trả lời cho khách một cách nhất quán và nhanh chóng.
* Chúng tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể trả lời cho khách nộp hồ sơ trong vòng 24 giờ. Chúng tôi không cho rằng phí thị thực là một rào cản lớn mà chính hệ thống đơn giản, dễ dàng mới là yếu tố cần cần thiết.
- 2. Thành lập tổ công tác đặc biệt phục hồi du lịch quốc tế đến:
Ngành du lịch sẽ mất vài năm để phục hồi hoàn toàn trong một thế giới ngày càng trở nên bất ổn vì những biến động có thể xảy ra như suy thoái toàn cầu, chiến tranh, những thay đổi trong chính sách ứng phó với Covid-19 và những thay đổi hành vi của các thị trường. Hội đồng Tư vấn Du lịch một lần nữa muốn đề xuất thành lập một Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ phục hồi với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân. Tổ công tác đặc biệt này nên có những người ra quyết định thuộc tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan và đại diện các bên liên quan chính của khu vực tư nhân, gồm Ban IV và Hội đồng Tư vấn Du lịch.
Chúng tôi xin đề xuất một Lãnh đạo cấp cao của Chính phủ lãnh đạo Tổ công tác đặc biệt này và giao cho họ nhiệm vụ xem xét các chính sách và cách thực hiện chính sách, đồng thời xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể quốc gia phục hồi và tiếp tục phát triển ngành du lịch, để đảm bảo rằng Việt Nam giữ được vị thế của mình trên thị trường và vẫn là điểm đến tốt nhất cho khách lựa chọn đến thăm trong khu vực.
- 3. Hỗ trợ các hãng hàng không tăng công suất và thúc đẩy du lịch quốc tế đến vượt qua ảnh hưởng của Covid-19:
Chúng tôi cho rằng một trong số những thách thức lớn nhất cho phục hồi du lịch năm 2023 là công suất vận chuyển hàng không từ các thị trường nguồn chính. Khó khăn này cùng với vấn đề ngành của chúng ta thiếu sự hỗ trợ trong thời kỳ Covid-19 và cuộc khủng hoảng tín dụng hiện tại của nền kinh tế có thể khiến các khách sạn và công ty du lịch uy tín bị tê liệt. Kính đề nghị Chính phủ xem xét một trong những đề xuất trước đây của TAB nhằm đảm bảo khoản vay vốn lưu động cho các hãng hàng không và các công ty du lịch lữ hành quốc tế, và các khách sạn với mức vay tương đương với số tiền họ đã đóng góp cho nền kinh tế đất nước trong năm 2019. Điều này sẽ giúp giải ngân một phần số tiền phân bổ làm vốn vay lãi suất thấp được Quốc hội phê duyệt trong gói phục hồi Covid-19.
Trên đây không phải là toàn bộ những đề xuất của chúng tôi nhưng chúng tôi tin rằng đây là những đề xuất sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến số lượng khách quốc tế đến và tổng thu mang lại, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP, tạo việc làm và giúp tăng trưởng thương mại và đầu tư trong tương lai.
Hội đồng Tư vấn Du lịch xin cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe và sẵn sàng hợp tác với quý vị để xây dựng ngành du lịch và khách sạn vững mạnh. Chúng tôi xin cảm ơn Báo Nhân Dân và Ban IV đã tổ chức hội nghị quan trọng này và xin chúc tất cả quý vị thành công và đóng góp nhiều ý kiến thảo luận có giá trị cho hội nghị.