TMG – Bà Mallory Ewer-Speck, Giám đốc phát triển bền vững của Thiên Minh Group bật mí về cách làm đã giúp tập đoàn này trở thành cái tên đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ Travelife Gold cho toàn bộ hệ thống khu nghỉ dưỡng và khách sạn.
Thưa bà, chứng chỉ Travelife Gold bao gồm các yêu cầu nào và việc đạt được chứng chỉ này có ý nghĩa như thế nào đối với Thiên Minh Group (TMG) nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung?
Bà Mallory Ewer-Speck: Để đạt được chứng chỉ Travelife Gold, hệ thống các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi phải đáp ứng bộ tiêu chí hơn 140 điều khoản khắt khe được chuẩn hóa bởi Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu.
Trong đó, nhiều tiêu chí tập trung vào các yếu tố mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi nói đến bền vững, như giảm sử dụng điện và nước, giảm lượng chất thải tạo ra và tái chế, sử dụng lại nhiều nhất có thể.
Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí cũng tập trung vào mặt xã hội của tính bền vững, như đảm bảo thực hành lao động công bằng, vấn đề đóng góp cho cộng đồng, bảo tồn di sản và văn hóa địa phương cũng như khuyến khích khách du lịch làm điều tương tự.
Tôi rất tự hào rằng tại các khách sạn của TMG, chúng tôi đã thực hiện phần lớn các yêu cầu này vì cam kết lâu dài của tập đoàn đối với du lịch bền vững và có trách nhiệm.
Thêm vào đó, yêu cầu quan trọng nhất của chứng chỉ Travelife Gold là phải đo lường, theo dõi và báo cáo tác động môi trường và xã hội để chúng tôi liên tục cải thiện. Rõ ràng, nếu không đo lường các tác động, khó có thể đảm bảo chúng tôi sẽ tiến bộ đến đâu.
Cột mốc mới nhất này là minh chứng cho cam kết của TMG về mục tiêu giúp cho môi trường sống, làm việc trở nên tốt hơn thông qua phát triển bền vững và trách nhiệm.
Với việc đạt được chứng nhận của bên thứ ba cho tất cả khách sạn – lần đầu tiên ở Việt Nam, TMG hy vọng sẽ là người tiên phong trong ngành, dẫn dắt các khách sạn khác hướng đến mục tiêu nhận chứng nhận bền vững của bên thứ ba.
Không chỉ vậy, việc đạt được chứng chỉ Travelife Gold còn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng về các lựa chọn du lịch bền vững, hướng tới giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ các nguồn lực, văn hóa và di sản địa phương.
Du khách và các nhà tổ chức du lịch có thể yên tâm rằng, tác động của một cơ sở lưu trú nhận chứng chỉ Travelife Gold trong lĩnh vực này đã được kiểm tra và xác minh độc lập thông qua một cuộc kiểm tra đầy đủ.
Trong quá trình đáp ứng các tiêu chuẩn của chứng chỉ, TMG đã gặp vấn đề gì và làm thế nào để giải quyết những khó khăn đó?
Bà Mallory Ewer-Speck: Mỗi khi thực hiện các thay đổi để hướng tới bền vững, điều đầu tiên cần đảm bảo là mọi người hiểu được lý do vì sao cần thay đổi.
Trong văn hóa của TMG, nhân viên của chúng tôi thực sự quan tâm đến môi trường và cộng đồng. Do vậy, mọi người rất sẵn lòng thực hiện các thay đổi khi họ biết rằng họ đang làm điều đó vì lý do đúng đắn.
Tôi nghĩ, một trong những khó khăn lớn nhất trong hành trình phát triển bền vững của bất kỳ công ty nào là làm thế nào để khuyến khích khách hàng đưa ra những lựa chọn bền vững. Điều này là một thách thức lớn, nhưng chắc chắn không thể bỏ qua, vì đây là một trong những cách mà các doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều tác động nhất.
Điều này cũng đúng với quá trình đạt được chứng chỉ Travelife Gold của chúng tôi.
Mặc dù chúng tôi muốn cung cấp thông tin và giúp khách hàng đưa ra lựa chọn bền vững nhất có thể, có những thời điểm rất khó để đưa thông tin và khuyến khích đưa phát triển bền vững vào trải nghiệm của khách hàng.
Cùng với đó, việc đảm bảo rằng những thông tin, hành động đó phải theo hướng tác động tích cực với khách hàng cũng không phải là điều dễ dàng.
Sau khi đạt được chứng chỉ này, TMG có kế hoạch gì tiếp theo?
Bà Mallory Ewer-Speck: TMG sẽ tiếp tục đẩy mạnh hành trình bền vững của mình trong năm 2024.
Chúng tôi hiện đang trong quá trình tiến tới đạt chứng nhận Travelife cho Vivu Journeys, công ty quản lý điểm đến của TMG.
Cùng với đó, một trong những mục tiêu chính của chúng tôi sẽ là phát triển và triển khai kế hoạch giảm khí carbon trên quy mô tập đoàn trong năm nay.
Với TMG, du lịch xanh, có trách nhiệm, du lịch bền vững được hiểu như thế nào?
Bà Mallory Ewer-Speck: Cách tiếp cận của TMG đối với du lịch có trách nhiệm và bền vững là xem xét cả các tác động môi trường, xã hội lẫn kinh tế.
Các doanh nghiệp tất nhiên luôn cần xem xét hiệu quả kinh tế. Tuy vậy, bằng cách tích hợp các yếu tố môi trường và xã hội vào quyết định và chiến lược, chúng tôi giảm thiểu các tác động tiêu cực và tối đa hóa các tác động tích cực.
Du lịch bền vững hiện vẫn là khái niệm đang được tranh luận. Rõ ràng, bất kỳ hành trình du lịch nào cũng sẽ có tác động không thể loại trừ được. Do đó, nhiều người tự hỏi liệu “du lịch bền vững” thực sự tồn tại hay không.
Mặc dù cuộc tranh luận này có thể dẫn đến cái nhìn sâu sắc hơn về cách quản lý du lịch tốt hơn, nhưng tôi tin rằng, với bất kể định nghĩa nào, các doanh nghiệp vẫn phải cố gắng làm cho du lịch trở nên bền vững nhất có thể.
Do đó, khi chúng tôi nói về du lịch bền vững hoặc du lịch có trách nhiệm, điều đó không có nghĩa là các hoạt động này không gây ra tác động nào, mà là các tác động đang được giám sát. Cùng với đó là giảm thiểu tác động tiêu cực và tối đa hóa các tác động tích cực càng nhiều càng tốt.
Bà đánh giá thế nào xu hướng du lịch bền vững tại Việt Nam và TMG đã chuẩn bị gì để bắt nhịp với xu hướng này?
Bà Mallory Ewer-Speck: Bền vững là một xu hướng không thể phủ nhận trong mọi ngành công nghiệp và chắc chắn, ngành công nghiệp du lịch cũng không ngoại lệ.
Người tiêu dùng muốn có nhiều sản phẩm bền vững hơn và họ muốn biết rằng khi họ đi du lịch, họ không ảnh hưởng tiêu cực đến các điểm đến.
Do đó, trong khi bền vững đã trở thành trung tâm của nhiều chiến lược kinh doanh, các tiến triển mới nhất sẽ tập trung vào cách doanh nghiệp truyền thông và tiếp thị về bền vững đến khách hàng cuối cùng.
Xu hướng này rất quan trọng khi người tiêu dùng và các chính phủ nhận ra rằng một số doanh nghiệp đang thực hiện “tẩy xanh”, tức là khi các công ty quảng cáo sản phẩm bền vững mà không có bằng chứng về tác động thực sự của chúng đối với môi trường hoặc cộng đồng.
Đạt được chứng nhận của bên thứ ba, như chứng chỉ Travelife Gold, là một cách tốt để tránh “tẩy xanh” vì nó đảm bảo rằng tác động đã được xác minh bởi một bên thứ ba không thiên vị.
Ở TMG có triết lý là chúng tôi luôn làm nhiều hơn những gì chúng tôi nói. Nói cách khác, chúng tôi không bao giờ muốn phóng đại các cam kết và thành tựu của mình.
Giá trị cốt lõi này tại TMG đã giúp chúng tôi có sự chuẩn bị tốt hơn trước những yêu cầu ngày càng tăng về bền vững và để quảng bá bền vững một cách trung thực và minh bạch. Đạt được chứng chỉ Travelife Gold đã làm rõ thêm rằng ở TMG, chúng tôi hành động theo lời nói của mình.
Theo bà, bên cạnh du lịch xanh và bền vững, xu hướng nào sẽ nổi lên trong ngành du lịch Việt Nam trong năm nay và những năm tới đây?
Bà Mallory Ewer-Speck: Ngoài du lịch xanh và bền vững, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nhiều người đi du lịch kết hợp công tác và nghỉ dưỡng – còn gọi là xu hướng ‘bleisure’ tại Việt Nam vào năm 2024 và hơn thế nữa.
Đơn cử, ngày càng có nhiều người làm việc trên máy tính xách tay tại bể bơi khách sạn, có các cuộc gọi công việc tại các quán cà phê…
Sau Covid-19, nhiều người nhận ra tầm quan trọng của việc đi du lịch và đang tìm nhiều cách để kết hợp việc du lịch vào cuộc sống. Bằng cách làm việc từ xa ở những điểm đến mới, mọi người có thể đi du lịch mà không phải nghỉ làm nhiều.
Ngoài ra, với giá thuê nhà ngày càng tăng ở nhiều nơi trên thế giới, giá thuê Airbnb hoặc thuê ngắn hạn trong vài tháng mang lại phương án phải chăng hơn.
Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đối với những người muốn vừa công tác, vừa nghỉ dưỡng khi cung cấp nhiều loại hình du lịch, từ bãi biển đến các thành phố phù hợp với công việc.
Khi những du khách muốn ở một nơi lâu hơn và muốn cảm thấy giống người địa phương hơn, tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ là lựa chọn tốt bởi lượng khách du lịch tại Việt Nam ít hơn các điểm đến khác như Thái Lan hay Bali.
Vì những lý do này, tôi nghĩ ‘bleisure’ sẽ là xu hướng du lịch phổ biến ở Việt Nam trong năm nay và những năm sau đó.
Nguồn: TheLEADER