Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và đạt thịnh vượng sau dịch nhờ du lịch

Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và đạt thịnh vượng sau dịch nhờ du lịch

TMG – Darrell Wade, Chủ tịch kiêm Nhà đồng sáng lập của Intrepid Travel, tập đoàn du lịch mạo hiểm lớn nhất thế giới và tiên phong trong hoạt động du lịch có trách nhiệm, đã chia sẻ về tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19. 

Darrell Wade, Chair and Co-Founder of Intrepid Travel.— VNS Photo Nguyễn Hằng                  

1, Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19?

Tôi nghĩ điều đầu tiên khi nói về du lịch Việt Nam là phải đặt vào bối cảnh lịch sử. Hơn 20 năm qua, du lịch Việt Nam phát triển rất ổn định và tôi không thấy có lý do gì để sự tăng trưởng đó dừng lại. Các điểm đến du lịch rất đa dạng và đáp ứng nhu cầu khám phá của khách du lịch quốc tế.

Trong 5, 10 hay 20 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến ngành du lịch Việt Nam tiếp tục bùng nổ hơn. Khi đó, tôi không nghĩ COVID-19 còn có ảnh hưởng gì nhiều nữa. Chúng ta đã vượt qua và sẽ quên đi trận đại dịch này nhanh thôi, COVID-19 sẽ chỉ còn là một sự kiện đã qua mà thôi. Trong tương lai, Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nhờ ngành du lịch.

Tôi nghĩ tiềm năng của du lịch Việt Nam nằm ở sự đa dạng với nhiều thành phố đẹp, bãi biển xanh, nhiều hoạt động mạo hiểm thú vị và vô vàn lựa chọn cho tour du lịch. Đây không phải là nơi mà du khách chỉ cần ngồi máy bay rồi đáp đất là xong, mà thực sự là một điểm đến để khám phá và trải nghiệm.

Sự phong phú và giàu trải nghiệm của Việt Nam có thể giúp “giữ chân” du khách lưu trú lâu hơn và ghé thăm nhiều lần. Chúng tôi đã thường xuyên thấy rất nhiều người trở lại Việt Nam vì họ muốn trải nghiệm những khía cạnh khác biệt hơn tại cùng một quốc gia. Đó là nét đặc trưng của Việt Nam mà không phải nước nào cũng có. Điều đó cũng sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển lâu dài của Việt Nam trong tương lai.

Đoàn khách tàu PONANT Le Jacques Cartier lên tàu Cái Bè Princess trải nghiệm cuộc sống sông nước của người dân Cái Bè. Ảnh: Vivu Journeys.

2, So với các quốc gia Đông Nam Á khác thì ông đánh giá tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam như thế nào?

Nếu so với các nước mạnh về du lịch như Thái Lan, Indonesia (Bali) và Singapore, Việt Nam có lợi thế đáng kể hơn nhờ sự đa dạng trong hệ thống các điểm du lịch. Lợi thế này giúp mang lại cơ hội cho các hoạt động bán hàng lặp lại và duy trì phát triển trong thị trường. Hơn nữa, định vị thương hiệu của Việt Nam cũng rất mạnh

Mức chi tiêu của khách phương Tây tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều quốc gia cạnh tranh khác. Đây là một yếu tố cực kì quan trọng vì nó giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Khách có thể trải nghiệm nhiều hơn nhưng trả ít tiền hơn. Đó là một điểm nhấn nổi bật của Việt Nam.

Chất lượng của dịch vụ du lịch tại Việt Nam cũng rất tốt và hoàn toàn có thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Nếu là 10 năm trước thì có lẽ tôi sẽ nói khác nhưng hiện tại, chất lượng các loại dịch vụ ẩm thực, đồ uống, khách sạn, và dẫn tour đều tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. So với giá mà khách trả thì chất lượng ở tầm “đỉnh cao”. Nhìn chung, dịch vụ du lịch tại Việt Nam có thể nói là không có vấn đề gì cả. 

Một trong những điểm nhấn thương hiệu của du lịch Việt Nam chính là giá trị. Việt Nam mang lại những giá trị tuyệt vời cho du khách. Đến du lịch ở đây, khách có thể đi dạo quanh phố, ăn uống ở một nhà hàng sang trọng, tận hưởng sản phẩm chất lượng quốc tế nhưng chỉ phải trả cái giá khá rẻ so với mức tiêu chuẩn thế giới. Không phải kiểu như ta thường nói là “tiền nào của nấy”, mà thực chất là “tiền ít nhưng của nhiều”. Đó chính là giá trị thực sự. Tôi nghĩ Việt Nam không nên quên rằng giá trị cũng là một lợi thế cạnh tranh nổi bật. 

3, Việt Nam được coi là một “thiên đường” nghỉ dưỡng cho du khách nước ngoài cao tuổi. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đó là một phân khúc thị trường thú vị. Một số thị trường phương Tây rõ ràng là sẽ có nhóm khách cao tuổi muốn nghỉ dưỡng dài ngày tại Việt Nam. Không nói đâu xa, em trai của tôi cũng thường đến Hội An một tháng mỗi năm. Cậu ấy không đi đâu khác mà chỉ đến Hội An, nghỉ tại một villa gần biển. Không vì gì khác mà chỉ đơn giản là em ấy yêu thích Hội An, nơi có đồ ăn tuyệt hảo, thời tiết dễ chịu, con người thân thiện và cả những giá trị tuyệt vời, đến mức em ấy còn nói với tôi: “Tại sao phải đến chỗ khác?”

Nếu là 10 năm trước, việc nghỉ dưỡng dài ngày trong một hoặc hai tháng là điều mà chúng ta chưa từng thấy ở bất kì đâu thì hiện tại, đó được coi là một lựa chọn khả thi cho kì nghỉ hàng năm và tôi nghĩ Việt Nam là một chốn dừng chân hoàn hảo. Tuy nhiên, thị thực vẫn là một nan đề tại Việt Nam. Từ góc nhìn của một người đi du lịch hay người vận hành tour, sự thuận tiện khi di chuyển bằng đường hàng không và chính sách thị thực thông thoáng là yếu tố quan trọng cho sự thành công của chiến lược phát triển du lịch lâu dài.

Du khách tại phố cổ Hội An ở tỉnh biển miền Trung Quảng Nam. – Ảnh TTXVN / VNS Trần Tĩnh           

4, Ông có thể chia sẻ về vai trò của du lịch bền vững trong lợi thế cạnh tranh của một quốc gia?

Đầu tiên, tôi nghĩ bền vững là yếu tố then chốt cho sự phát triển tương lai dù là ở bất kì phân khúc thị trường nào. Bạn phải thực hiện công tác bền vững một cách đúng đắn, dù là với khách cao cấp hay khách du lịch bụi. Thị trường đang ngày càng đòi hỏi nhiều loại hình du lịch đảm bảo tính bền vững hơn. Họ quan tâm cách chúng ta xử lí rác thải nhựa, sử dụng năng lượng hay nguồn nhân lực như thế nào. Tất cả yếu tố đó có ảnh hưởng quan trọng tới khách hàng trong việc quyết định xem họ sẽ đi đâu, lưu trú trong bao lâu và cảm nhận như thế nào về địa điểm đó.

Với những người làm trong ngành du lịch, từ chuỗi cung ứng, khách sạn, công ty vận tải đến công ty vận hành tour, chúng ta đều phải xem xét về tính bền vững và cách cải thiện lâu dài. Bởi tôi thấy là tính bền vững cũng đang dần trở thành một lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia. Một số nước làm tốt, một số lại không. Những nước làm tốt sẽ đạt được nhiều lợi ích lâu dài, ngành du lịch của họ cũng nhờ đó phát triển thịnh vượng trong nhiều năm. Ngược lại, nước nào làm chưa tốt thì sẽ chịu cảnh lép vế hơn. Trước đây, đơn giản chỉ cần có biển đẹp và giá tốt là được. Nhưng hiện tại thì khác, bạn cần xây dựng tính bền vững trở thành một phần tất yếu trong sản phẩm du lịch của mình. 

5, Thị trường Việt Nam có vai trò như thế nào đối công ty của ông?

Với Intrepid Travel, Việt Nam là một thị trường vô cùng quan trọng. Chúng tôi bắt đầu thực hiện chuyến du lịch đầu tiên đến Việt Nam năm 1993 nên có “lịch sử” khá lâu đời ở đây. Hiện nay, Intrepid Travel đang có mặt tại 120 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó Việt Nam là một trong năm thị trường chúng tôi tiếp cận và khai thác từ những ngày đầu tiên.

Hồi những năm 1990, du lịch Việt Nam chưa là gì so với hiện tại. Ở nhiều mặt, chúng tôi đã cùng phát triển và trưởng thành cùng với đất nước này trong lĩnh vực du lịch. 

Việt Nam là một điểm đến vô cùng quan trọng và vẫn là số 1 với chúng tôi trên phạm vi toàn cầu. Ngoài câu chuyện doanh thu, Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia có chỉ số hài lòng khách hàng cao nhất. Khi chúng tôi thực hiện tính toán chỉ số Net Promote Score – chỉ số đo lường sự hài lòng và khả năng giới thiệu của khách hàng – Việt Nam luôn nằm trong top 2 hoặc 3 điểm đến đạt chỉ số này cao nhất.

Để biết thêm thông tin về Intrepid Vietnam, một thành viên của Tập đoàn Thiên Minh (TMG), vui lòng liên hệ:

Đường dây nóng: +61 3 9473 2673

Website: www.intrepidtravel.com/en/vietnam

Được thành lập vào năm 1994, TMG đã phát triển từ một công ty chỉ có ba nhân viên thành một doanh nghiệp có hơn 2.500 nhân viên trên toàn thế giới. Thiên Minh hiện là nhà cung cấp dịch vụ du lịch trọn gói hàng đầu Châu Á, được thành lập với sứ mệnh luôn đặt khách hàng lên hàng đầu và trung tâm. Với bốn trụ cột kinh doanh: Quản lý điểm đến, Khách sạn, Trực tuyến, Hàng không – TMG là nơi tổ chức lý tưởng cho những hành trình đặc biệt với những trải nghiệm du lịch thực sự đáng nhớ.

Nguồn: Việt Nam News

FOLLOW US