Để du lịch xanh, bền vững trở thành “chuẩn mực”

Để du lịch xanh, bền vững trở thành “chuẩn mực”

TMG – Thị trường du lịch bền vững toàn cầu được dự báo sẽ đạt 11,4 nghìn tỉ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 14% từ năm 2023 đến năm 2032, theo báo cáo mới nhất do Allied Market Research công bố vào tháng 9.2024.

Được định giá 3,3 nghìn tỉ USD vào năm 2022, thị trường du lịch bền vững đang trên đà mở rộng, khi nhu cầu và số lượng điểm du lịch thân thiện với môi trường tiếp tục tăng. Thị trường này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành du lịch toàn cầu.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành du lịch đang tích cực phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Xu hướng du lịch xanh, bền vững

Du lịch bền vững nổi lên như một xu hướng chủ đạo trong ngành du lịch những năm gần đây, đặc biệt khi lo ngại ngày càng tăng đối với các vấn đề về môi trường và nhu cầu du lịch có trách nhiệm của du khách. Ngày nay, du khách tìm kiếm các điểm đến, cơ sở lưu trú và nhà điều hành tour thân thiện với môi trường, ưu tiên tính bền vững… Đó là xu hướng thịnh hành trên khắp thế giới, từng bước được du khách Việt Nam quan tâm.

Du khách Việt Nam ngày càng có mong muốn hành động bền vững hơn khi đi du lịch. Ảnh: Phương Thảo

Theo nghiên cứu Chỉ số Tự tin Du lịch APAC năm 2023 của Booking.com, 80% du khách từ Việt Nam rất quan tâm đến tính bền vững khi đưa ra các lựa chọn du lịch và đánh giá cao “tầm quan trọng của việc đưa ra các quyết định du lịch bền vững”.

Đặc biệt, 73% du khách Việt Nam sẵn sàng chi trả thêm để lưu trú ở chỗ nghỉ bền vững hơn. Đây tỉ lệ cao nhất trong 11 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Dữ liệu trên cho các doanh nghiệp thấy rõ những lợi ích khi triển khai các sản phẩm, dịch vụ mang tính bền vững hơn. Đồng thời, phản ánh áp lực từ thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại sản phẩm và chiến lược kinh doanh.

Chia sẻ với Lao Động, bà Mallory Ewer-Speck – Giám đốc Phát triển Bền vững của Thiên Minh Group – đánh giá du lịch xanh và bền vững ở Việt Nam không đơn thuần là một “xu hướng” mà sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một “chuẩn mực” được du khách chấp nhận rộng rãi.

“Tính bền vững sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt khi tất cả chúng ta sẽ có những trải nghiệm trực tiếp về hậu quả của biến đổi khí hậu. Một trong những vấn đề rõ ràng nhất mà du khách có thể thấy là ô nhiễm nhựa. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này, nếu không du khách có thể chọn những điểm đến khác xanh sạch, nguyên sơ hơn ngay từ đầu hoặc đến Việt Nam và không quay trở lại” – bà Mallory nhận định.

Bền vững trong chiến lược

Kể từ khi Liên Hợp Quốc thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2015, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, bắt đầu chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Việc ký kết Hiệp định EVFTA từ năm 2019 cùng với các cam kết về môi trường trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho Việt Nam: Chuyển đổi từ nền “kinh tế nâu” – nền kinh tế truyền thống tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và phát thải lớn – sang nền “kinh tế xanh” thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Có thể thấy từ khóa tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn xuất hiện trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021; Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022; và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030.

Trong đó có hai nhiệm vụ cụ thể về du lịch trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đầu tiên là hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Thứ hai là ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh…), phát triển sản phẩm du lịch xanh.

Phát triển du lịch bền vững cần dựa trên cơ sở tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, bảo đảm tính nguyên sơ, nguyên bản của giá trị cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc. Ảnh: Anh Minh

Thực tế, chuyển đổi xanh cần thời gian và lộ trình cụ thể, bởi quá trình này liên quan đến nhiều đơn vị, ban ngành, người dân…

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, quá trình vận hành mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh phục vụ chuyển đổi xanh cần sự tham gia của nhiều bên.

Trong đó, cơ quan quản lý cần ban hành và điều chỉnh các chính sách, cơ chế cho phát triển du lịch và phát triển các lĩnh vực liên quan phù hợp với các chính sách, quy định của nhà nước và Chính phủ. Cơ quan quản lý chuyên ngành đóng vai trò nghiên cứu, tham mưu trình UBND cấp trên trực tiếp ban hành các chính sách, cơ chế và kế hoạch…, tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện.

Ban Quản lý phát triển du lịch hay Hợp tác xã sẽ xây dựng quy chế quản lý hoạt động du lịch ở địa phương, tổ chức triển khai hoạt động du lịch, hỗ trợ giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của cộng đồng để tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý giải quyết, xử lý…

Các hộ hoặc cá nhân thuộc cộng đồng địa phương kinh doanh các dịch vụ phục vụ du lịch cần tham gia hình thành các dịch vụ, các sản phẩm phù hợp điều kiện, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch theo các định hướng…

Cộng đồng địa phương không trực tiếp kinh doanh các dịch vụ du lịch tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn văn hóa cộng đồng ở địa phương; phản ánh thông tin nhằm cải thiện môi trường sống.

Giá trị văn hóa là yếu tố quan trọng trong xây dựng sản phẩm du lịch xanh, bền vững. Ảnh: Anh Minh

Các doanh nghiệp kinh doanh tại chỗ trên địa bàn cần phát triển các sản phẩm du lịch xanh phù hợp với “cầu” của các thị trường. Các đơn vị phải hướng đến sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tham gia xây dựng và thực hiện nghiêm túc cơ chế phân chia lợi ích để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia, hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên cũng như góp phần hoàn thiện chính sách, điều chỉnh kế hoạch phù hợp.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông ​​Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam – cho biết, các yếu tố hình thành sản phẩm du lịch xanh bao gồm: Bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa địa phương, hỗ trợ cộng đồng và ứng dụng công nghệ xanh. Để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch xanh đúng hướng, chính quyền địa phương đóng vai trò rất lớn trong quá trình vận động.

“Địa phương nào mới phát triển du lịch cần định hướng cho du lịch xanh ngay từ đầu, người làm du lịch phải tiếp cận được những chủ trương, chính sách thì hành động mới dễ dàng và hiệu quả. Các đơn vị đã có kinh nghiệm cần tìm nhiều cách để lan tỏa chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch” – ông Thắng chia sẻ.

Nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành cung cấp sản phẩm du lịch xanh, Hiệp hội đã thành lập Chi hội Du lịch xanh Việt Nam để thu hút thành viên có hoạt động tích cực trong chuyển đổi xanh. Từ đó tìm ra phương pháp để doanh nghiệp tiếp cận và lan tỏa.

Để biết thêm thông tin về Tập đoàn Thiên Minh (TMG), vui lòng liên hệ:

Hotline: 1800599955

Email: [email protected]

Website: https://tmgroup.vn/vi

Được thành lập vào năm 1994, TMG đã phát triển từ một công ty chỉ có 3 nhân viên thành một doanh nghiệp có hơn 2.500 nhân viên trên toàn thế giới. Thiên Minh hiện là nhà cung cấp dịch vụ du lịch trọn gói hàng đầu châu Á, được thành lập với sứ mệnh luôn khách hàng lên hàng đầu và trung tâm. Với 4 trụ cột kinh doanh: Quản lý điểm đến, khách sạn, Trực tuyến, Hàng không – TMG là nơi tổ chức lý tưởng cho những hành trình đặc biệt với những trải nghiệm du lịch thực sự đáng nhớ.