LEADERS TALK

Rời bỏ mùa đông Canada giá lạnh, Chris Farwell tìm thấy "mặt trời" ở TMG

TMG – Rời bỏ những mùa đông giá lạnh ở Canada, Christopher Farwell lên đường đi tìm những vùng đất ấm áp khác dưới ánh mặt trời. Tình yêu du lịch cùng những bước chân hăng say khám phá thế giới đã dẫn lối cho ông đến với TMG. Và hành trình Vivu Journeys của ông cũng bắt đầu từ đó.

Trở lại Việt Nam nhân sự kiện kỷ niệm 28 năm thành lập tập đoàn Thiên Minh (TMG), Christopher Farwell được hội ngộ cùng toàn thể những người đồng nghiệp ở Việt Nam tại TUI BLUE Nam Hoi An sau hơn 2 năm xa cách vì đại dịch Covid-19. Trong những tháng ngày bận rộn với công tác với, vị phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của TMG đã sắp xếp thời gian để nói về bản thân cũng như tập đoàn nơi đã truyền cảm hứng cho ông làm việc.

Olá. Que dia maravilhoso está na terra hoje, e o clima é super adequado para férias notáveis.

Xin chào mọi người. Tôi là Chris Farwell. Mong là với các đồng nghiệp Bồ Đào Nha đang làm việc cùng chúng tôi tại Vivu Journeys thì phần phát âm vừa rồi của tôi là chấp nhận được. Điều tôi muốn nói là, được sống và hiện diện trên mảnh đất Việt Nam xinh đẹp khiến cho ngày hôm nay quả là một ngày tuyệt vời. Hiện giờ tôi đang có mặt trong căn hộ “Apartment” long lanh vừa được tân trang đẹp đẽ của khách sạn Flower Garden Hotel tại Hà Nội. Tôi cũng đang ở trong một căn như vậy ngay tầng trên, cũng vì mới sang Việt Nam.  Phải nói là căn hộ “Apartment” thật sự rất tuyệt. Tôi rất thích nghỉ tại Flower Garden, trong những căn hộ “Apartment” sang trọng này.

Chuyển đến sống ở Hà Nội, tôi thực sự muốn được đắm chìm trong vẻ đẹp của thành phố này và hòa nhập với cuộc sống của người bản địa. Tôi là Giám đốc điều hành của lĩnh vực du lịch của tập đoàn Thiên Minh (TMG), bao gồm các thương hiệu Vivu Journeys, SLC Representation, cùng các du thuyền trên Vịnh Hạ Long và sông Mêkông. Tôi cũng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Tài chính của TMG và là thành viên Ban Giám đốc, tôi làm việc cùng với Kiên và Công để phát triển chiến lược và kiến tạo thành công cho tập đoàn.

1. Vì sao mọi người thường nói ông là đại diện tiêu biểu cho hình tượng công dân toàn cầu?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Canada, nhưng đã lâu rồi tôi chưa trở lại quê hương của mình. Tôi đã từng sống tại Australia 7 năm, và sau đó là 4 năm tại Singapore, rồi 4 năm tiếp theo tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Tính ra tôi cũng đã đi kha khá nơi rồi đấy.

2. Với tần suất di chuyển “kha khá” như vậy, liệu ông có thể chia sẻ hiện giờ bản thân đã là hoa có chậu hay vẫn đang rong ruổi độc hành?

Chà, tình trạng của tôi là hoa có chậu rồi nhé. Cô ấy là Mallory. Hiện giờ cô ấy vẫn đang ở Mỹ. Sắp tới cô ấy cũng sẽ tới Việt Nam để sống cùng tôi.

3. Ai là những người mà ông yêu quý nhất trong cuộc đời này?

Những người mà tôi luôn yêu quý tất nhiên có gia đình, bạn bè, Mallory và cả những đồng nghiệp của tôi tại TMG. Tôi rất thích làm việc với họ, đến nay tôi đã gắn bó với TMG được 8 năm rồi đấy.

4. Hiện tại ông đang ở Hà Nội, vậy ông thấy thời tiết ở đây thế nào?

Tôi đang tận hưởng thời tiết nơi đây vì bản thân tôi yêu thích nơi có nhiệt độ cao. Vì thế tôi rất vui khi được trở lại Việt Nam, giữa lòng Hà Nội, ngay tại trái tim của TMG.

Tôi khá trái ngược với phần lớn người Canada bởi khi đến Việt Nam họ đều than thở về thời tiết nóng bức khiến họ đổ mồ hôi nhiều do độ ẩm cao. Tôi thì ngược lại, tôi không thích cái lạnh cứng người của mùa đông ở Canada. Đó là lí do vì sao tôi lựa chọn đến Úc, nơi có thời tiết ấm áp hơn. Giờ ở Việt Nam tôi thấy rất vui. Thật lòng mà nói ở đây đang bật điều hòa làm tôi còn thấy hơi lạnh đấy. Những lúc chỉ có một mình, tôi thường không bật điều hòa vì tôi thích cái nóng nực ở đây hơn.

Vậy nên bạn biết đấy, 15 năm trước, tôi đã bắt đầu hành trình đi tìm hơi ấm, nhưng mà tôi cũng là luôn thích được ngao du đây đó để ngắm nhìn thế giới này nữa. Tôi muốn làm một điều gì đó khác biệt hơn là phải sống cả đời ở Canada, để ngắm nhìn thế giới, trải nghiệm những nền văn hóa khác và tự tạo nên một con đường của riêng mình.

5. Ông đã từng trải nghiệm cái lạnh của mùa đông Hà Nội chưa?

Trong thời gian sống ở Singapore, tôi thường sẽ đến Hà Nội mỗi tháng một lần, mỗi lần ít nhất là 1 tuần. Vậy nên tôi đã từng trải nghiệm mùa đông ở đây rồi. Cũng có lúc Hà Nội thật sự rất lạnh. Khi ấy, tôi sẽ phải di chuyển xuống Sài Gòn, Hội An và làm việc ở đó. Sẽ ổn cả thôi, tôi chắc mà.

6. Theo ông, mùa đông ở Canada và mùa đông ở Hà Nội khác nhau như thế nào?

U là trời, không thể so sánh được. Mùa đông ở Canada nhiệt độ có lúc giảm còn -40 độ và trời có tuyết rơi. Nếu tuyết rơi vào dịp Giáng sinh hay khi đi trượt tuyết thì rất tuyệt, nhưng nếu ngày nào cũng có thì sẽ khá bất tiện. Ngày lại còn ngắn nữa chứ. Mặt trời mọc lúc 9 giờ sáng và lặn lúc 3 giờ chiều. Thời tiết như vậy không dễ chịu cho lắm. Vậy nên khi ở Hà Nội, tôi không lo lắng gì nhiều về mùa đông ở đây.

7. Mọi người thấy ông hay nay đây mai đó. Vậy thực sự thì điều gì đã đưa ông đến Hà Nội, Việt Nam thưa ông?

Đó là một hành trình khá dài đấy, bắt đầu từ 8 năm trước khi tôi gặp Kiên. Khi đó, tôi đang làm việc tại Flight Center ở Australia và hai phía hợp tác liên doanh với thương hiệu Buffalo Tours. Tôi khi đó đảm nhận vị trí Giám đốc Tài chính của Buffalo Tours. Tôi nhớ khi đó tôi có hẹn ăn trưa với Kiên tại Brisbane, Australia để phỏng vấn cho vị trí này. Trước đó tôi chưa từng đến Việt Nam hay các quốc gia châu Á khác.

Trong buổi phỏng vấn, Kiên đã rất thân thiện và tốt bụng, và chúng tôi đã có những trao đổi thú vị trên bàn ăn. Rồi Kiên hỏi “Ok, rất tốt. Vậy khi nào anh có thể bắt đầu công việc?”. Tôi hỏi lại “Vậy khi nào anh cần tôi?”, rồi Kiên nói “Nếu được thì anh có thể chuyển tới Singapore và bắt đầu vào tuần sau”. Thời gian đó tôi đang trải qua nhiều biến động ở Australia nên tôi không ngần ngại đồng ý luôn.

Tuần tiếp theo đó, tôi đã tới Singapore, sau đó sang Việt Nam. Sau đó về lại Singapore với Buffalo Tours, rồi chúng tôi đã thiết lập cơ sở hoạt động ở châu Âu, và giờ lại quay vòng trở về Hà Nội. Một hành trình tuyệt vời để đến được đây.

8. Gần đây ông đã tham gia một sự kiện kỷ niệm lớn của tập đoàn có đúng không, thưa ông?

Đúng vậy. Đó là sự kiện lớn mừng sinh nhật 28 năm của TMG. Hàng năm, chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện này vào tháng 9 nhưng truyền thống đó đã bị gián đoạn trong hai năm qua và chúng tôi không thể tổ chức ăn mừng cùng nhau vì tình hình dịch bệnh. Năm 2021 có lẽ là năm tồi tệ nhất khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Việt Nam, còn tôi vẫn đang ở Châu Âu. Nên là năm ngoái tất cả mọi người phải làm việc và giao tiếp qua màn hình máy tính. Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn nhất của tập đoàn.

Vì thế, năm nay chúng tôi đã tổ chức kỷ niệm lớn. Chúng tôi có những lĩnh vực kinh doanh phát triển tốt. Mặc dù vẫn còn phải chờ sự phục hồi của dòng khách quốc tế tới Việt Nam nhưng không gì tuyệt vời hơn khi được thấy những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của mọi người, rồi được gặp gỡ trực tiếp từng người. Không gì thay thế được chuyện đó. Bạn biết đấy, tổ chức sự kiện thì đâu có vui bằng việc ngắm nhìn mọi người tận hưởng nó. Nên là tuyệt lắm đấy.

9. Ông thấy vui khi tham gia sự kiện đó chứ?

Tất nhiên rồi. Sự kiện có rất nhiều hoạt động thú vị như team building, tiệc tối mà cuối buổi thường sẽ thành tiệc bể bơi. Mọi người đã được tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ bên nhau.

Là một thành viên của TMG EXCOM, niềm vui lớn nhất đối với tôi là có thể tổ chức sự kiện này và thấy mọi người vui vẻ sau khoảng thời gian làm việc vất vả lâu nay vì ai cũng đã rất nỗ lực. Thực chất, sự kiện này chỉ dành cho 10-15% nhân viên của tập đoàn, những người xuất sắc nhất, nên tôi rất vui khi thấy họ được ghi nhận và vinh danh trong sự kiện. Chung vui với chúng tôi còn có một số bạn đồng nghiệp đến từ Lào. Đây là lần đầu tiên họ cầm hộ chiếu và đi du lịch nước ngoài, một số tài xế của chúng tôi cũng được vinh danh nữa.

Đây là bữa tiệc vinh danh những người nhiệt huyết luôn hết mình làm việc và cống hiến. Tôn vinh họ là điều vô cùng quan trọng và được nhìn thấy sự rạng rỡ trên gương mặt của họ khi nỗ lực của họ được công nhận, với tôi, đó là phần tuyệt vời nhất của sự kiện.

10. Đó là câu chuyện từ những người đồng nghiệp của ông. Vậy ông có thể chia sẻ câu chuyện của mình tại châu Âu trong hai năm qua?

Chà, thời khó thì ở đâu cũng khổ cả thôi. Tôi nghĩ Châu Âu có lẽ là đi trước Việt Nam khoảng 12 tháng ở khía cạnh trải qua đại dịch. Tại châu Âu, chúng tôi phải trải qua nhiều lần giãn cách xã hội rồi số ca bệnh tăng cao, rồi đi qua làn sóng Covid. Và cũng vì xảy ra trước nên tôi nghĩ là Việt Nam đã có thể học hỏi kinh nghiệm, rút ra bài học và vận dụng để vượt qua dịch bệnh. Đó là một lợi thế đối với Việt Nam.

Nhưng với tôi, điều khó khăn nhất khi đó là bị tách biệt với các thành viên trong nhóm. Trước khi dịch bùng phát, tôi thường xuyên đến Việt Nam và các điểm đến mà tôi quản lí. Vậy mà vì dịch bệnh tôi đã không thể gặp gỡ và đồng hành với mọi người vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Nhưng tôi thấy vui vì cuối cùng chúng tôi đã vượt qua được và mọi thứ đang trở lại đúng quỹ đạo đi lên của nó.

11. Có khoảnh khắc hay sự kiện nào mà ông cho rằng là ánh sáng cuối đường hầm trong đại dịch hay không?

Tôi nghĩ đó là khi Việt Nam bắt đầu mở cửa biên giới trở lại từ tháng 3 và nới lỏng các quy định hạn chế vào tháng 5. Vậy nên tháng 5 có lẽ là dấu mốc quan trọng nhất khi mà các hạn chế được cởi bỏ, vì Việt Nam là nơi hiện diện phần lớn các cơ sở và tài sản của tập đoàn.

Trước đó, có những e ngại là, và tôi nghĩ ở đâu cũng e ngại vậy thôi, rằng mọi người e ngại đi du lịch và lo sợ khách du lịch có thể mang bệnh tới các điểm đến. Nhưng cuối cùng, chúng ta cũng thấy được ánh sáng cuối đường hầm khi vào tháng 5, mọi thứ được mở trở lại và chúng ta có thể tiếp tục các hoạt động du lịch. Mới đó thôi mà đã bốn tháng trôi qua rồi. Với tôi khoảng thời gian đó dài như cả đời vậy vì chúng tôi đã bận bịu với rất nhiều việc. Tuy mệt nhưng chúng tôi đều rất vui vì có thể bận rộn với công việc như trước đây. Thật tuyệt vời khi mọi thứ trở lại như trước kia.

12. Có điểm gì về du khách quốc tế mà những người đồng nghiệp Việt Nam của ông cần chú ý hay không?

Tôi nghĩ có một sự thật là ai cũng muốn đi du lịch. Họ luôn khát khao được đi du lịch, và một trong những điểm mà mọi người lo ngại đó là đại dịch qua đi thì các hoạt động du lịch có trở lại hay không? Chúng tôi đã nhìn thấy điều đó. Rằng du khách thì thích đi du lịch và họ sẽ luôn luôn muốn đi du lịch. Trong khi đó, Việt Nam luôn là một điểm đến tuyệt vời với nhiều điều thú vị để khám phá như văn hóa, bãi biển, ẩm thực. Việt Nam thật sự hội tụ được rất nhiều yếu tố thuận lợi.

Nên sẽ luôn có một lượng cầu du lịch từ các thị trường quốc tế hướng về Việt Nam. Chúng tôi đã nhìn thấy điều đó. Nhưng có những điều vẫn đang kìm hãm chúng ta phát triển trở lại, đó là năng lực bay và giá vé máy bay hay cả chiến tranh ở Ukraine nữa. Nhưng mà hiện tại, chúng ta thấy năng lực bay đã được phục hồi và giá dầu cũng giảm so với trước.

Hiện nay thì giá một số chuyến bay cũng đã giảm. Một khi hai yếu tố trên được giải quyết, tôi nghĩ là chúng ta sẽ được thấy ngành du lịch Việt Nam bùng nổ trở lại. Với ngành du lịch thì đó là hai mối lo ngại hiện hữu, ngoài ra thì còn có nguy cơ của một cuộc suy thoái toàn cầu. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ sẽ ổn thôi vì chúng tôi đã từng đương đầu với các cuộc suy thoái toàn cầu và thấy rằng xu hướng du lịch sẽ luôn được duy trì. Có khác chăng thì có thể xảy ra ở mức chi của du khách. Nhưng mà như đã nói, mọi người luôn muốn đi du lịch.

13. Hôm nay ông đã chia sẻ rất nhiều với chúng tôi, nhưng tôi lại không thấy ông chia sẻ gì nhiều trong sự kiện 28 năm?

Chà, đáng tiếc là tôi vẫn chưa nói được tiếng Việt. Nhưng giờ tôi đã tới Hà Nội rồi, tôi sẽ bắt đầu học tiếng Việt sớm thôi. Có lẽ đó là lí do mà bạn không thấy tôi chia sẻ gì nhiều trong sự kiện hôm trước. Bởi vì, theo tôi, Kiên vẫn luôn là một diễn giả tuyệt vời. Và tôi thấy sử dụng tiếng Việt để giao lưu là hợp lí vì 98% mọi người ở đó là người Việt Nam.

Nên từ phía mình, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới toàn bộ thành viên trong TMG vì những gì họ đã làm trong suốt hai năm rưỡi qua. Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với TMG cũng như cả ngành du lịch. Trộm vía, hi vọng là chúng ta sẽ không bao giờ phải trải qua thêm lần nào như vậy nữa. Nhưng cũng nhờ đó mà ta có thể thấy được sức mạnh thực sự của mọi người khi vượt qua đại dịch và gắn bó với TMG và ngành du lịch.

Tôi nghĩ là trong giai đoạn này, nếu bạn vẫn gắn bó với ngành du lịch thì chắc chắn bạn thực sự có đam mê với ngành này. Bởi vì bạn vốn có thể dễ dàng rời đi và chuyển sang một ngành khác ít bị ảnh hưởng hơn. Tôi nghĩ là bạn có đam mê với du lịch. Và bạn cũng có sự đam mê dành cho TMG nữa. Và tôi nghĩ đó thực sự là một lời tri ân ý nghĩa đối với Kiên cũng như toàn thể ban lãnh đạo trong tập đoàn ở chỗ chúng tôi đã thành công trong việc xây dựng và phát triển tập đoàn, cũng như tạo nên một mái nhà chung. Cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã tiếp tục gắn bó với chúng tôi.

14. Tôi nhớ hôm đó ở nhà hàng của TUI BLUE Nam Hoi An, ông phải đi quanh rủ mọi người ngồi cùng vì bị nhân viên “xa lánh”. Nguyên nhân của việc này có phải vì ông là một người sếp “đáng sợ” không?

(Cười lớn) Tôi hi vọng là không phải. Tôi hy vọng mình không phải là một ông sếp đáng sợ đâu, tôi cho là thế. Tôi nghĩ là càng ngày tôi càng tốt hơn đấy chứ. Nói chung là tôi cũng không rõ nữa. Tôi nghĩ bạn phải hỏi các thành viên trong nhóm tại sao họ lại không muốn ngồi chung bàn với tôi. Tại sao họ lại sợ như thế? Đó sẽ là một câu hỏi hay cho họ đấy.

15. Ông có nghĩ là nhân viên của ông sợ ông không?

Không, tôi không nghĩ họ sợ tôi đâu. Vấn đề có lẽ là do áp lực. Tôi hiểu là họ cảm thấy ngại ngùng khi nói chuyện trực tiếp với sếp. Có lẽ khi ở tầm tuổi của họ, tôi cũng từng e ngại và cảm thấy áp lực khi nói chuyện với sếp của mình. Chỉ là chút áp lực thôi.

16. Theo ông, nhân viên có nên sợ sếp của mình không?

Không, chắc chắn là nhân viên không nên sợ cấp trên của mình. Và tôi cũng không nghĩ nhân viên của chúng tôi sợ tôi hay Kiên. Họ biết là chúng tôi rất tốt bụng và cũng là con người cả thôi. Vì thế, vấn đề chủ yếu có lẽ là do họ thấy ngại thôi.

17. Từ nào phù hợp nhất để hình dung về ông, ông chủ, người lãnh đạo hay người đồng nghiệp đáng tin cậy?

Tôi nghĩ là “người lãnh đạo” và khi nói đến cụm từ này, nó không có nghĩa là giám đốc hay sếp, dù thực tế tôi là đúng là sếp. Nhưng đối với tôi, người lãnh đạo luôn phải có trách nhiệm dẫn dắt mọi người. Như vậy nghĩa là sao? Bạn luôn phải là người ở phía trước dẫn dắt, chứ không phải là chỉ ngồi sau chỉ trỏ người khác làm này làm kia. Mà bạn phải dùng hành động làm gương. Ví dụ khi công ty gặp khó khăn, bạn phải xắn tay áo lên và cùng làm để giúp đỡ mọi người.

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, tôi đã làm mọi công việc có thể, từ giúp khách đặt phòng đến chào hàng, hỗ trợ hoạt động vận hành. Thời điểm đó, khi khách hàng gặp khó khăn và gọi điện đến mà chúng tôi lại thiếu nhân sự vì phải “thắt lưng buộc bụng” do đại dịch, tôi không thể làm ngơ rồi ngồi đó rồi nói “Không, tôi là giám đốc và đó không phải là việc của tôi. Tôi sẽ không làm thủ tục đặt phòng hay giúp đỡ khách hàng khi họ cần đâu.” Bạn cần phải dấn thân nhiều hơn.

Tôi nghĩ đôi khi nhiều người muốn được thăng tiến lên một vị trí cao hơn và trở thành sếp vì họ nghĩ rằng làm sếp thì lương cao, việc nhàn. Thực tế thì, vị trí càng cao trách nhiệm càng lớn. Tôi nghĩ không phải ai cũng có thể đảm đương trọng trách nặng nề đó trên vai.

Tôi đã thấy điều đó ở Kiên. Ý tôi là Kiên luôn là người làm việc chăm chỉ nhất của công ty. Nhiều khi Kiên còn bị làm việc quá chăm chỉ! Nhưng tôi nghĩ với vai trò là người lãnh đạo, bạn phải là người làm việc chăm chỉ nhất trong công ty, đó là cách để bạn trở thành người lãnh đạo.

18. Ông có nghĩ rằng việc giao tiếp với đồng nghiệp ở các cấp bậc khác nhau là quan trọng không?

Tôi nghĩ là điều đó vô cùng quan trọng. Bạn phải trò chuyện, giao tiếp và phát triển các mối quan hệ với đồng nghiệp trong công ty. Nếu bạn chỉ chăm chăm nói chuyện với lãnh đạo cấp cao, bạn sẽ khó có được cái nhìn rõ nhất về công ty cũng như cách mà nó vận hành, vì bạn thực chất chỉ trao đổi với một bộ phận rất nhỏ của công ty mà thôi.

Vì thế, với cương vị là người lãnh đạo, điều quan trọng là bạn nên giao tiếp với tất cả mọi người, hòa nhập với họ và góp phần xây dựng văn hóa đó xung quanh bạn. Bạn nên muốn trò chuyện với mọi người và kết nối với họ ở cấp độ cá nhân. Đối với tôi, đây là điều không phải bàn cãi, và đó chính là phong cách lãnh đạo của tôi.

19. Có câu trích dẫn nào về nghề nghiệp mà ông thấy hay và muốn chia sẻ không?

“Hãy giống như con vịt, trên mặt nước thì bình thản vô ưu, dưới mặt nước thì điên cuồng quẫy đạp.” Là một người lãnh đạo, tôi cho rằng bạn phải là một người có phong thái điềm tĩnh, và để cho mọi người thấy rằng mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát. Ngay cả khi thực tế bên trong là bạn phải làm việc cật lực và lăn xả vã mồ hôi, thì đối với nhân viên của bạn, bạn vẫn phải trông thật mạnh mẽ và tự tin. Đó là cách mà tôi luôn làm việc và đối diện với cuộc sống.

Một câu trích dẫn hay khác là “Bạn có thể ngủ khi bạn chết”. Hãy làm việc chăm chỉ, tận hưởng cuộc sống, đừng lo nghĩ quá nhiều về vấn đề ngủ nghỉ. Tất nhiên, bạn cần phải nghỉ ngơi khi có thể. Và đó cũng là cách mà tôi tận hưởng cuộc sống này. Hãy tận hưởng cuộc sống và tận hiến trong công việc, làm chăm chỉ, chơi hết mình.

20. Quay trở lại câu chuyện sống ở Việt Nam. Liệu ông có điều gì không thích về Việt Nam không?

Chà, khó nhỉ. Tôi nghĩ không có gì là tôi không thích ở Việt Nam cả, chân thành mà nói là vậy. Dù mỗi nước, ngay cả Canada, đều có một vài điều nhỏ nhặt khiến tôi bận lòng, nhưng đâu chẳng thế. Bạn cần phải sống cởi mở. Nếu bạn muốn sống ở một quốc gia khác và khám phá thế giới, bạn phải cởi mở với những điều mới lạ. Và bạn phải có mong muốn được trải nghiệm những điều mới đó. Còn nếu bạn không muốn vậy, thì cũng chẳng sao cả.

Du lịch giúp bạn mở rộng tầm mắt, nhìn ra thế giới, trải nghiệm các nền văn hóa và quan điểm khác nhau. Với tôi, tôi sẽ không sống ở một quốc gia khác nếu tôi không muốn khám phá những điều đó.

21. Ông có thể nói được bao nhiêu ngôn ngữ vậy? Và trình độ tiếng Việt của ông đang ở mức nào?

Hiện tại thì tôi chỉ nói tiếng Anh thôi. Tôi có biết một chút tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp. Bạn biết mà, lớn lên ở Canada rồi có người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sống ở đó. Nhưng mà thật tiếc là không tôi thể nói là tôi nói lưu loát bất kỳ ngoại ngữ nào cả. Tôi chỉ nói được dăm ba câu hay đôi điều thôi.

Nhưng mà trộm vía nhé, biết đâu khi bạn hỏi tôi câu này vào thời điểm này năm sau thì tôi có thể nói tiếng Việt ở một trình độ nhất định đấy. Tôi biết tiếng Việt khá là khó vì mọi người hay nói với tôi như vậy. Nhưng giờ tôi đang sống ở đây, và tôi không muốn mình chỉ là một người ngoại quốc sống tại Việt Nam. Tôi sẽ học tiếng Việt chăm chỉ trong thời gian tới.

22. Ông có thể nói câu gì đó bằng tiếng Việt cho bất kì ai mà ông muốn được không?

Ah, Xin chào. Tôi đang cố nghĩ xem nói “Happy birthday” bằng tiếng Việt như nào nhưng quên mất rồi. Nhưng mà tôi biết Happy New Year – Chúc mừng năm mới. Tôi nghĩ phần khó nhất của tiếng Việt là thanh điệu nên cần tập trung vào đó nhiều hơn. Nhưng mà tôi muốn nói xin cảm ơn tới tất cả các TMGers, cảm ơn các bạn vì đã chào đón tôi trở lại Việt Nam và vì tất cả những gì các bạn đã làm với tôi trong suốt 8 năm qua.

23. Ông nói là ông đã có người thương rồi. Vậy ông đã biết nói “I love you so much” bằng tiếng Việt như thế nào chưa?

Ồ không, tôi không biết. Bạn có thể dạy tôi được không?

“I love you so much” trong tiếng Việt là “Anh yêu em rất nhiều”.

Ồ khá là khó đây. “Anh yeu em rat nhieu”.

Hi vọng là trong thời gian tới tôi có thể nói câu này tốt hơn.

24. Lời kết ông muốn nói với mọi người là gì?

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã đồng hành với tôi trong suốt 8 năm qua. Chúng ta hãy cùng mong chờ vào một tương lai tốt đẹp hơn nữa của TMG.

Cảm ơn những chia sẻ của ông.

Được thành lập năm 1994, TMG là một trong những tập đoàn cung cấp dịch vụ du lịch và khách sạn hàng đầu tại Đông Nam Á và châu Á. Trải qua hành trình 28 năm truyền cảm hứng, TMG tự hào là người bạn đồng hành thân thiết mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho du khách trong mỗi hành trình.

 

Ekip sản xuất:

PR Executive

Video Editor

PR Intern

LEADERS TALK