TMG – “Nếu ta nhìn kỹ cộng đồng nào có du lịch phát triển sẽ rất phồn thịnh, tạo công ăn việc làm cho mọi tầng lớp, du lịch là động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác”, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Trần Trọng Kiên chia sẻ.
Ông Trần Trọng Kiên – chủ tịch một tập đoàn du lịch nghìn tỷ nhưng lại có phong thái điềm đạm và giản dị với chiếc balo đen trên vai. Ông có tâm huyết lớn với ngành du lịch, minh chứng cụ thể bằng 29 năm phát triển của Tập đoàn Thiên Minh.
Lớn mạnh theo hành trình phát triển của ngành du lịch
Xuất phát điểm từ một sinh viên ngành Y nhưng ở cái tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết ông Kiên lại tìm một hướng đi khác cho mình và bén duyên với ngành du lịch.
Ông Kiên chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội năm 1994, do lập gia đình sớm nên nếu theo nghề Y lúc đó thì không đủ khả năng trang trải, từ đó tôi quyết định tìm hướng kinh doanh khác. Trong bối cảnh đất nước mở cửa, đại sứ quán Mỹ thành lập, người nước ngoài vào Việt Nam nhiều, lúc đó tôi nhìn ra tiềm năng phát triển của ngành du lịch nên quyết định học thêm về ngành này”.
Sự kiện đánh dấu sự có mặt của ông Kiên trong lĩnh vực du lịch chính là sự ra đời của Buffalo Tours. Ông Kiên cho biết “Tôi khởi nghiệp bằng 2.000 USD để thành lập Buffalo Tours vào năm 1994 – tiền thân của Tập đoàn Thiên Minh sau này với 3-4 nhân sự, nhắm đến các sản phẩm du lịch mạo hiểm và những điểm đến khác biệt. Buffalo Tours sau này trở thành một trong những nhánh kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Thiên Minh.
Sau 3-4 năm hoạt động công ty mở rộng đến 50 – 60 nhân viên, ông chủ Thiên Minh quyết định phát triển đơn vị quản lý điểm đến của mình thành công ty du lịch chuyên nghiệp, mở rộng các sản phẩm đi kèm. Khoảng 10 năm sau đó là quãng thời gian Thiên Minh thực sự tạo ra dấu ấn trên thị trường bằng những thương vụ mua bán trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.
Năm 2001, Thiên Minh bắt đầu mở rộng các cơ sở lưu trú với khách sạn Mai Châu Lodge; năm 2004 Thiên Minh tham gia vào các hoạt động kinh doanh của khách sạn Festival Huế bằng việc mua lại cổ phần, nay đã đổi tên thành khách sạn ÊMM Huế.
Năm 2005, công ty hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd. – công ty điều hành tour du lịch của Australia để thành lập công ty TNHH Du Lịch Intrepid Indochina (nay là Intrepid Vietnam) với mục tiêu mở rộng hoạt động du lịch tại khu vực Đông Nam Á cũng như tại các thị trường du lịch khác ở Châu Á. Năm 2008, ông Trần Trọng Kiên chính thức thành lập CTCP Du lịch Thiên Minh (Thiên Minh Group).
Năm 2011, Thiên Minh gây tiếng vang lớn khi hoàn thành việc mua lại chuỗi 5 khách sạn Victoria tại Việt Nam (hiện tại bao gồm Victoria Hội An, Victoria Châu Đốc, Victoria Núi Sam và Victoria Cần Thơ) và khai trương khách sạn Victoria Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào. Đây là thương vụ lớn nhất tính tới thời điểm đó trong lĩnh vực du lịch, khách sạn ở Việt Nam.
Cũng năm này, Thiên Minh bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực hàng không, khi cùng một đơn vị khác trong ngành lữ hành thành lập CTCP hàng không Hải Âu, cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuỷ phi cơ, bay dịch vụ (Air taxi)…
Đến năm 2018 Thiên Minh đã bán Buffalo Tours để có đủ nguồn lực phát triển, mở rộng mảng quản lý điểm đến, du lịch, lữ hành. Dù vậy, ông Kiên luôn khẳng định lữ hành là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn mà công ty có định hướng phát triển trong tương lai.
Khó khăn ập đến sau chuỗi thành công liên tiếp
“Mọi thứ đều phát triển rất tốt cho đến khi đại dịch xuất hiện, ngành du lịch vừa trải qua 2 năm khó khăn nhất trong lịch sử. Thiên Minh cũng vậy, hơn nữa công ty còn làm đa lĩnh vực trong ngành dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề. Năm 2020, công ty phải hoãn các dự án lớn gồm hãng hàng không Cánh diều (Kite Air) và phải bán hai khách sạn ở Sa Pa và Phan Thiết, song song với đó phải tìm cách gia tăng dòng tiền, tăng vốn, giảm mọi chi phí không cần thiết”, ông Kiên trăn trở.
Ông chủ Thiên Minh cho hay tập đoàn đã cố gắng đảm bảo tất cả các hoạt động doanh thu có thể thu về tại các địa phương, thay đổi công năng các khách sạn thành nhà hàng, quán bia hơi phục vụ khách Việt, đồng thời, tiết giảm chi phí ở mức tối đa và phải giảm 50% lương của nhân viên. Cá nhân ông và ban lãnh đạo tập đoàn cũng không nhận lương trong suốt thời gian này.
Đại dịch cũng ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của công ty, nhiều nhân công đã tự xin nghỉ và chuyển ngành. Thiên Minh đã mất khoảng 800 nhân viên, chiếm khoảng 40% nhân sự của tập đoàn.
Tuy nhiên trong rủi ro lúc nào cũng có thể tìm thấy cơ hội. Ông Kiên chia sẻ Thiên Minh đã tích cực tìm kiếm, mua bán và sát nhập các công ty có tiềm năng.
Dù bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch nhưng ông Kiên vẫn luôn tâm huyết với nghề và khẳng định “Du lịch là một phần không thể thiếu của cuộc sống, đặc biệt với thế hệ hiện tại và những người đã sinh ra trong chiến tranh. Du lịch là món ăn tinh thần, là cầu nối con người với con người và là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước”.
Thực tế đã chứng minh 9 tháng năm 2023, khách du lịch nội địa ước đạt 15,7 triệu lượt; khách quốc tế quay lại Việt Nam tăng trưởng tốt đạt 8,9 triệu lượt khách, vượt kế hoạch cả năm. Năm nay dự báo khách quốc tế đến Việt Nam có thể đạt 12 triệu lượt khách.
Nuôi dưỡng khách nội địa, mở rộng thị trường khách quốc tế
Rút ra những bài học sau đại dịch, ông Kiên khẳng định để phát triển du lịch bền vững không chỉ thể chỉ tập trung vào khách quốc tế mà cần phải nuôi dưỡng khách nội địa.
Bên cạnh đó phải xây dựng và phát triển lại thị trường khách quốc tế. Trước dịch du khách quốc tế đến Việt Nam đông nhưng lại không bền vững. Chúng ta có khoảng hơn 55% khách quốc tế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó khách Trung Quốc chiếm 1/3 tổng lượng khách.
Việt Nam có các thị trường tốt như Australia, Canada, Châu Âu, Mỹ nhưng chưa khai thác được số khách theo đúng tiềm năng. Ví dụ trước dịch khách Australia đến Việt Nam khoảng 300.000 lượt khách/năm nhưng tại các nước trong khu vực như Thái Lan là 1,2 triệu lượt, Indonesia là hơn 1 triệu khách vì vậy, tiềm năng khách Australia đến Việt Nam có thể tăng gấp 3 lần.
Đồng thời cũng phải tích cực khai thác một số thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông. Hiện nay, từ Ấn Độ bay thẳng sang Việt Nam rất gần nên hoàn toàn có thể khai thác tốt thị trường này.
“Nếu Việt Nam khai thác ổn định các thị trường khách nói trên thì kể cả khi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc không đạt được những kết quả như kỳ vọng thì ngành du lịch vẫn có thế mạnh cạnh tranh và phát triển bền vững hơn rất nhiều so với mức cũ”, Chủ tịch Thiên Minh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho biết muốn khách quốc tế quay trở lại nhiều thì cần các chính sách thông thoáng. Dù thị thực Việt Nam đã có thay đổi rất lớn nhưng vẫn cần mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực. Thị thực rất quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế đến du lịch, hiện một số nước trong khu vực như Thái Lan miễn visa cho 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore và Malaysia miễn visa cho 162 quốc gia và vùng lãnh thổ… thì danh sách miễn thị thực của Việt Nam vẫn phần nào “lép vế”.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng đến các hình thức tiếp thị quốc gia, quảng cáo điểm đến. Bên cạnh đó là tập trung phát triển con người và nguồn lực.
Chủ tịch Thiên Minh đề xuất nghiên cứu phát triển các cụm du lịch như Huế – Đà Nẵng, Huế – Quảng bình, Quảng Trị kết nối với nhau bằng 3 sân bay khu vực, 6 di sản văn hóa được UNESCO công nhận từ hang Sơn Đoòng đến Cố đô Huế, phố cổ Hội An. “Nếu làm tốt, cụm du lịch này hoàn toàn có thể vượt xa các điểm du lịch như Bali và Phuket”, ông Kiên nói.
Du lịch Việt Nam có thể nằm trong top 3 ngành công nghiệp có thể cạnh tranh với thế giới
Chia sẻ về tiềm năng phát triển ngành du lịch Việt Nam, ông Kiên cho hay định hướng chung của Đảng, Chính phủ muốn đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến 2030 đóng góp 17% GDP, năng lực cạnh tranh của ngành nằm trong top 30 thế giới và top 3 Đông Nam Á, tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có 3 triệu việc làm trực tiếp và phấn đấu đón ít nhất 50 triệu khách quốc tế và 160 triệu khách nội địa.
Nếu chúng ta có những chính sách tốt, những lộ trình rõ ràng làm bệ đỡ cho ngành du lịch, những mục tiêu trên là hoàn toàn trong tầm tay. Du lịch có thể chiếm 15-17 GDP của Việt Nam, năm nay doanh thu của ngành có thể quay lại mức 9% trong GDP, đến năm 2030 đạt 17% GDP, đóng góp khoảng 100 tỷ USD, ngang với mức đóng góp của ngành du lịch Thái Lan trước dịch, tạo 5-6 triệu việc làm thường xuyên cho người dân.
Ông Kiên cũng chỉ ra: “Nếu ta nhìn kỹ cộng đồng nào có du lịch phát triển sẽ rất phồn thịnh, tạo công ăn việc làm ổn định cho mọi tầng lớp người dân. Một cộng đồng phát triển thông minh rất cần sự phát triển của du lịch. Du lịch là cách tốt nhất kết nối con người với thế giới và là động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác”.
Trong hành trình phát triển của ngành du lịch, Chủ tịch Thiên Minh cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư phát triển con người theo hướng sáng tạo và chuyên nghiệp để làm du lịch. Đồng thời mở rộng quy mô, gia tăng tài sản và chất lượng tài sản, giữ vững vị thế top 3 chuỗi khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu.
Thiên Minh sẽ tập trung nhiều vào mảng lữ hành do đây là lĩnh vực cốt lõi, mở rộng lữ hành đi ra thế giới trong đó tập trung các thị trường châu Á, châu Âu. Năm nay, công ty sẽ khai thác các thị trường như Thái Lan, Nhật Bản và năm sau là Singapore, Philippines, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Hy Lạp,… Các năm tiếp theo sẽ cân nhắc các thị trường Châu Phi và châu Mỹ, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Australia, Newzeland, phấn đấu sẽ phục vụ khoảng 5 triệu khách vào năm 2030.
Theo: Mekong ASEAN